Theo ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn, Bộ NN&PTNT, đến nay, bộ đã công nhận 14 giống ngô biến đổi gen để đưa vào sản xuất đại trà, với tính kháng sâu đục thân, thuốc trừ cỏ. Diện tích ngô biến đổi gen cả nước năm nay sẽ phát triển lên khoảng 10.000 ha. Tuy nhiên, quá trình mở rộng diện tích đang chậm lại so với dự kiến, do cần xác định những giống ngô biến đổi gen kháng sâu đục thân, thuốc trừ cỏ, mới thể hiện rõ hiệu quả kinh tế.
“Nếu trồng ngô biến đổi gen với hai tính kháng trên ở những vùng ít sâu đục thân, ít cỏ dại thì hiệu quả không khác ngô thường. Thiếu nguyên liệu ngô trầm trọng, vấn đề tăng diện tích trồng ngô, trong đó có ngô biến đổi gen là rất lớn. Dự kiến, từ nay đến năm 2020, cả nước sẽ phát triển lên 300.000 ha ngô biến đổi gen, chiếm khoảng 25% tổng diện tích ngô cả nước”- ông Trung nói.
Dán nhãn biến đổi gen thế nào?
Theo quy định hiện hành (áp dụng từ ngày 1/8 năm nay), thực phẩm biến đổi gen bao gói sẵn, lưu thông tại Việt Nam có ít nhất một thành phần nguyên liệu biến đổi gen lớn hơn 5% tổng nguyên liệu sử dụng phải dán nhãn có chữ “biến đổi gen”, kèm theo hàm lượng. Còn thực phẩm biến đổi gen tươi sống, thực phẩm chế biến không bao gói và trực tiếp bán cho người tiêu dùng sẽ không cần phải dán nhãn…
Về việc dán nhãn, ông Trung cho hay, ngô biến đổi gen được chế biến trong nhà máy, rồi bán ra thị trường làm thực phẩm, mới phải dán, còn ngô nguyên liệu do bà con trồng về nhà máy thức ăn chăn nuôi, không phải dán nhãn. “Chẳng hạn, nhà máy dùng ngô biến đổi gen làm bánh, hay một loại thực phẩm nào đó, buộc phải dán nhãn, kèm theo hàm lượng sử dụng ngô biến đổi gen, còn nông dân bán từng bao tải thì không phải dán”- ông Trung nói.
Còn theo PGS.TS Phạm Văn Toản, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, mục đích của việc dán nhãn là để cung cấp thông tin giúp người tiêu dùng biết để lựa chọn, chứ không phải để cảnh báo an toàn. Việc Bộ NN&PTNT cho phép ngô biến đổi gen trồng đại trà, và xác định đủ điều kiện làm thực phẩm, tức là nó an toàn.
Ông Toản cho hay, nhiều nước trên thế giới yêu cầu phải dán nhãn bắt buộc với thực phẩm biến đổi gen. Các nước châu Á áp dụng ngưỡng ghi nhãn với thực phẩm biến đổi gen là 5% áp dụng với Nhật Bản, vùng lãnh thổ Đài Loan, Thái Lan, Indonesia; 3% với Hàn Quốc; với Úc, New Zealand là 1%.
Ông Toản cho biết, việc quy định dán nhãn với thực phẩm biến đổi gen, chỉ là một dạng hàng rào thương mại, không liên quan đến tính an toàn của loại thực phẩm này. Hiện các nước trên thế giới đều cấp chứng nhận an toàn thực phẩm biến đổi gen sau khi đã đánh giá theo hướng dẫn của Codex (Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm
quốc tế).
Dù còn nhiều quan điểm khác nhau về cây trồng biến đổi gen, tuy nhiên, theo các chuyên gia, mới đây, hơn 100 học giả đoạt giải Nobel đã cùng ký bức thư ngỏ kêu gọi Tổ chức Greenpeace (Hòa bình xanh) thay đổi quan điểm phản đối thực phẩm biến đổi gen.
Theo các học giả Nobel, những gì tổ chức Hòa bình xanh đang làm là phản khoa học và gây ảnh hưởng tiêu cực và cho rằng “Hòa bình xanh và những phe ủng hộ họ đã cố tình đi chệch hướng nhằm hù dọa
dư luận”.
Để cung cấp nguyên liệu cho sản xuất, năm 2015, Việt Nam phải nhập đến 6,5 triệu tấn ngô, khoảng 4-5 triệu tấn khô dầu đậu tương, khoảng 2 triệu tấn lúa mỳ (khoảng một nửa cho người)… Với tổng kim ngạch nhập khẩu các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi lên tới trên 5 tỷ USD.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét