Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2016

Đo sự hài lòng của người dân

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân làm việc với Ban Bí thư T.Ư Đoàn ngày 24/9Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân làm việc với Ban Bí thư T.Ư Đoàn ngày 24/9

Ông Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao vai trò của Đoàn Thanh niên trong việc phối hợp MTTQ thực hiện các cuộc vận động lớn triển khai trên toàn quốc như: Toàn dân xây dựng nông thôn mới, Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam…

“Coi sự hài lòng của người dân là chỉ số phát triển đất nước, vì thế trách nhiệm của MTTQ phải nắm bắt, đánh giá được sự hài lòng của người dân với đội ngũ công quyền cơ sở. Hiện có hơn 30 tỉnh có công cụ đánh giá nhưng rất khác nhau và cần phải thống nhất cách đánh giá chung. Suy cho cùng, sự hài lòng của người dân vô cùng quan trọng, dân có hài lòng mới có sự phát triển đất nước bền vững. MTTQ nói chung cam kết với Chính phủ về những vấn đề nói trên và Đoàn là thành viên cần tham gia tích cực về các vấn đề này”, ông Nguyễn Thiện Nhân nói.

Ông Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu, với nhiệm vụ đặc thù của Đoàn, cần nắm rõ nhu cầu của thanh niên bây giờ khác gì so với những giai đoạn trước; đó là tiền đề bước vào xây dựng nội dung cho kỳ Đại hội sắp tới. MTTQ cũng cần lắng nghe xem trách nhiệm của mình trong các hoạt động của Đoàn thanh niên đến đâu, đã tạo được nguồn lực cho mình chưa, làm thế nào nâng tầm các phong trào trong các thành viên của MTTQ, trong đó có Đoàn Thanh niên…

Chặn tham nhũng, đầu tư cho vùng khó khăn

Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Phi Long báo cáo công tác của Hội LHTN, trong đó tập trung nguồn lực, huy động xã hội hóa xây dựng nhà bán trú dân nuôi, hệ thống trường học cho học sinh vùng cao, vùng sâu vùng xa. “Gần đây có khá nhiều vụ đại án gây thất thoát hàng chục nghìn tỷ đồng, tạo tâm trạng không tốt trong nhân dân trong khi đời sống nhân dân nhiều nơi rất đói nghèo, chưa được quan tâm thỏa đáng. Mong MTTQ quan tâm giám sát các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt lĩnh vực giáo dục, phát triển cho giáo dục vùng khó khăn. Mong có sự đầu tư thích đáng của Nhà nước, hỗ trợ tích cực cho những vùng khó khăn”, anh Phi Long đề xuất.

“Về Chương trình quốc gia khởi nghiệp, Thanh niên khởi nghiệp, theo tôi, không phải mang tiền đến cho thanh niên mà quan trọng là thể chế, chính sách cho thanh niên. Thực tế, hiện chưa có quỹ khởi nghiệp, đầu tư mạo hiểm cho thanh niên khởi nghiệp của Việt Nam, tại Việt Nam mà chủ yếu đặt tại nước ngoài. Đến thời điểm này, một thanh niên muốn khởi nghiệp không biết dựa và đâu. Vì thế, cần có đơn vị đứng ra thực hiện công việc này”, anh Phi Long kiến nghị.

Bí thư T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy cho biết, hiện cả nước có 1.891 cán bộ Đoàn quá tuổi, tập trung ở cấp cơ sở do đầu ra không có. Mặt khác, còn có bất cập trong thi tuyển công chức về hình thức và thời gian thi tại nhiều địa phương khiến nhiều cán bộ Đoàn tâm huyết, năng lực lại không trúng tuyển, ảnh hưởng hiệu quả công tác tại nhiều địa phương. Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Ngọc Lương nhắc tới công tác phòng chống tham nhũng, trong đó có trách nhiệm, hiệu quả của đội ngũ báo chí của Đoàn. “Trong quá trình thực hiện thu thập thông tin, đấu tranh, phản ánh trên báo chí, lực lượng nhà báo bị ảnh hưởng không nhỏ vì liên quan đến chủ thể tham nhũng, có những vấn đề đụng chạm, vì thế, họ cần phải được quan tâm, bảo vệ”, anh Ngọc Lương nói.

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong nói rằng, thanh niên hiện năng động, giỏi hơn rất nhiều thì đội ngũ cán bộ Đoàn phải chuyển mình như thế nào để theo kịp được sự phát triển. T.Ư Đoàn suy nghĩ làm sao chăm lo quyền lợi hợp phát, chính đáng của thanh niên. Trên cơ sở đó, xây dựng phong trào cho thanh niên nhiệm kỳ tới vừa phát huy tinh thần, trách nhiệm tình nguyện vừa thúc đẩy tính sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp cho thanh niên. “Đoàn mong được giao trách nhiệm và nguồn lực nhiều hơn để Đoàn thanh niên được chủ động, có nguồn lực thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội các địa phương và trên cả nước”, anh Quốc Phong nói.

Theo anh Quốc Phong, việc nắm bắt tình hình thanh niên qua mạng xã hội hiện là kênh tiếp cận mà chỉ có Đoàn thanh niên thực hiện được một cách rộng rãi. “Cán bộ Đoàn đều có cách tiếp cận nhưng khâu nắm bắt thường xuyên, kịp thời định hướng, đấu tranh với sai trái chưa thực sự chuyển động kịp. Mặt tích cực của công tác này là Đoàn đã sử dụng mạng xã hội trong giáo dục lối sống đẹp, lòng yêu nước lan tỏa trong giới trẻ, tuy nhiên, cần thêm công cụ, thêm giải pháp để hiệu quả hơn”, anh nói.

Đoàn Thanh niên là tài sản chính trị quan trọng

Ông Nguyễn Thiện Nhân nói rằng, việc trao đổi không chỉ nói về Đoàn thanh niên mà còn về cơ chế hoạt động và tìm cách tháo gỡ những vướng mắc trong công tác tổ chức các phong trào, hoạt động. Đoàn Thanh niên là tài sản chính trị vô cùng quan trọng, giúp đất nước có sức mạnh, khơi dậy trong thanh niên tinh thần yêu nước và lắng nghe ý kiến của nhân dân. Vì thế, cán bộ Đoàn phải tiên phong trong vận động thanh niên trong thời kỳ hội nhập quốc tế, phải làm những việc khó không ai làm thay được.

“Muốn đất nước phát triển phải nghe tiếng nói của dân, để tránh được sự quan liêu lâu dài, đặc biệt là báo cáo có tính một chiều của hệ thống công quyền từ địa phương. Muốn khơi dậy lòng yêu nước, cần khơi dậy lịch sử hào hùng, gắn với truyền thống yêu nước sâu sắc, lâu đời”, ông Nguyễn Thiện Nhân nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét