Liên quan đến vụ việc trên, trong các ngày 15 và 19/9, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành hai văn bản chỉ đạo yêu cầu Sở NN&PTNT, UBND quận Hai Bà Trưng, cùng các Sở, ngành liên quan tiến hành rà soát tình trạng sạt lở, lập phương án di chuyển các hộ dân ngõ 975 đường Bạch Đằng ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Trao đổi với PV, một đại diện UBND quận Hai Bà Trưng cho biết, trong tuần qua, UBND quận đang phối hợp với Sở NN&PTNT tiến hành kiểm tra tình trạng sạt lở, thống kê các hộ dân bị ảnh hưởng, lập phương án di chuyển để báo cáo Thành phố xem xét và chỉ đạo.
Trước đó, UBND quận Hai Bà Trưng đã có thống kê tình trạng sạt lở xảy ra tại địa bàn. Theo đó, trước khi xảy ra vụ sạt lở đêm 20 rạng sáng ngày 21/8/2016, khiến 1 gian nhà trượt trôi ra sông, 7 gia đình ở trong tình trạng nguy hiểm buộc phải di chuyển, từ năm 1996 đến năm 2012, trên địa bàn phường Bạch Đằng đã xảy ra nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng như ở Khu tập thể 108, trụ sở Phòng Cảnh sát Giao thông đường thủy...
Sau vụ sạt lở năm 2012 xảy ra trên địa bàn quận Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng, thành phố đã thực hiện xử lý kè chống sạt lở giai đoạn 1 từ vị trí K67 + 650 đến vị K68 + 787. Tuy nhiên, dự án kè chống sạt lở giai đoạn 2 từ vị trí K67 + 420 đến vị trí K69 + 650 vẫn chưa được triển khai.
Giải thích nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở, ông Hà Đức Trung, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, nguyên nhân xảy ra sự cố tại khu vực này là do ngành giao thông lái dòng, hướng luồng lạch chính từ bờ tả sông Hồng sang Cảng Hà Nội.
Do đó, dòng chảy đã thúc vào bờ sông, trong khi bờ là mái dốc đứng, chưa được gia cố nên gây ra sạt lở. Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho rằng, thành phố cần sớm triển khai dự án xử lý tổng thể kè chống sạt lở bờ hữu sông Hồng tại khu vực các phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm), Thanh Lương, Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng) để đảm bảo an sinh lâu dài.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét