Để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm, tại những giao lộ trung tâm, các KCN, trường học, chợ, bệnh viện, khu du lịch…, ngành GTVT đã cho xây dựng nhiều cầu vượt bộ hành. Xây dựng một cầu vượt bộ hành tốn hàng tỷ đồng nhưng thực tế đang có nhiều cầu vượt bộ hành ở Hà Nội và TPHCM rất ít người qua lại và nhếch nhác, mất vệ sinh…
Ghi nhận của PV tại nhiều cầu bộ hành như cầu trên đường Tây Sơn, Hà Nội, nơi có nhiều người qua lại, song dưới chân cầu lại là nơi tập kết các thùng chứa rác. Bên cạnh đó, một bên chân cầu là bến xe buýt, bên kia là các cửa hàng lấn chiếm làm bãi để xe, gây khó khăn cho người dân khi sang đường. Chị Nguyễn Thị Phương, làm việc tại ngõ 167 Tây Sơn cho biết: Dù đông người qua lại như thế nhưng có hôm giữa ban ngày tôi còn bắt gặp người ta lên cầu để tiểu tiện… Không những thế, vào mùa đông, cầu này còn trở thành nơi trú ngụ của những người vô gia cư.
Trên phố Chùa Bộc (Đống Đa, Hà Nội), dù đã xây cầu vượt bộ hành song tại vị trí này còn “tô” thêm vạch kẻ đường, đèn tín hiệu giao thông dành cho người đi bộ sang đường. Tại nút giao thông này, thường xuyên xảy ra ùn tắc, nhưng rất ít người sử dụng cầu bộ hành. Có những cây cầu lại vắng người qua lại điển hình như cầu vượt bộ hành trên đường Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội.
Tại các cầu số 6, 7 bắc qua đại lộ Võ Văn Kiệt (quận 6, TPHCM), từ dưới chân cầu lên mặt cầu là túi ni lông, lọ thuỷ tinh vỡ và kim tiêm còn dính máu nằm lẫn trong các bồn hoa hay thậm chí vứt bừa bãi, ngang nhiên trên mặt cầu và bốc lên mùi khai thối rất khó chịu. Cầu bộ hành Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh) cũng vắng người đi và xuống cấp nghiêm trọng. Bà Nguyễn Tuyết đi thăm nuôi người nhà tại một bệnh viện cho biết: “Tôi vốn bị đau chân, tuổi cũng đã cao, cầu vươt đi bộ thì dốc, leo lên leo xuống bất tiện, dù biết nguy hiểm nhưng tôi thấy băng qua đường sẽ tiện hơn”.
Nhiều cầu “chết yểu”
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Hồng Đạt, Chánh Văn phòng Sở GTVT Hà Nội cho biết: Trên địa bàn hiện có khoảng 30 cầu vượt bộ hành, tập trung tại các điểm thu hút người qua lại như siêu thị, các trường đại học lớn. Còn theo báo cáo của Sở GTVT TPHCM, trên địa bàn có tổng số 54 công trình tiện ích phục vụ cho người đi bộ băng qua đường, trong đó có 21 cầu bộ hành được bố trí ở các khu vực có bệnh viện, công viên và trên đường Võ Văn Kiệt, đường Phạm Văn Đồng. Trong đó, 7 cây cầu có người thường xuyên qua lại, 14 cây cầu còn lại hầu như vắng vẻ..
Theo kiến trúc sư Trần Trùng Dương, việc xây dựng cầu vượt bộ hành còn tùy tiện, không có kế hoạch, quy hoạch, gây lãng phí tiền bạc. Năm 2013, có 2 cây cầu vượt bộ hành đã được xây dựng dành cho người đi bộ tại các nút giao Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã; Đại Cồ Việt – Phố Huế đã bị tháo dỡ để xây dựng các cầu vượt mới. Tháng 10/2014, cầu vượt bộ hành tại nút giao Cầu Giấy (trước cổng Đại học GTVT) cũng đã bị tháo dỡ để lấy không gian thi công dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội. Tháng 4/2015, một cầu vượt đường bộ trước cổng Đại học KHXH&NV cũng đã bị dỡ xuống để lấy không gian thi công cho dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông.
TS. Vũ Anh, giảng viên Đại học Kiến trúc Hà Nội, cũng cho rằng, cầu vượt bộ hành hiện nay vẫn chưa phát huy được hiệu quả cao, lượng người đi bộ qua cầu thấp. Khảo sát một số cầu vượt bộ hành tại Hà Nội hiện nay cho thấy, phần lớn các cầu vượt bộ hành còn vắng người qua lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét