Vỉa hè là chốn công cộng, toàn dân, giàu, nghèo, lớn, bé đều được sử dụng, ai mà không mừng? Chỉ có điều, “tấm áo” cũ đã “rách” hay “lỗi mốt” đến mức phải thay chưa? Và cái giá của “tấm áo” mới ấy là bao nhiêu, có tốn kém hay lãng phí không, có việc dân sinh gì cần ưu tiên làm hơn cái vỉa hè hay không mà thôi.
Còn nhớ, hồi đầu năm dư luận từng xôn xao về kế hoạch lát đá vỉa hè trị giá 1.000 tỷ đồng cho 120 tuyến phố của quận 1 TPHCM. Như vậy, kế hoạch bóc gạch, lát đá vỉa hè khắp 12 quận Hà Nội hẳn cũng phải tiêu tốn cả chục ngàn tỷ chứ chả chơi?
Lại nữa, không phải đây là lần đầu tiên vỉa hè thủ đô “thay áo”, được đồng loạt bóc lên để lát mới. Chỉ trong vòng chục năm trở lại đây, hết gạch block lại đến terrazzo, nay lại tới đá tự nhiên. Mới cách đây 6 năm, dịp Hà Nội kỷ niệm 1.000 năm, nhiều người từng xót xa khi không ít đoạn vỉa hè còn tốt vẫn bị bóc lên thay mới.
Và người dân cũng xót xa không kém khi dịp lễ trọng vừa mới đi qua ít bữa, không ít vỉa hè đã lồi lõm, bong tróc do thi công ẩu, do đào bới để lắp đặt, sửa chữa đủ các loại công trình ngầm. Thêm nữa, vỉa hè ở ta có đặc thù rất khác tây, đó là đủ loại từ xe máy đến ôtô thường xuyên leo lên vì tắc đường. Nhiều người băn khoăn tự hỏi, liệu loại đá nào chịu được, một khi vỉa hè ở ta đâu có dành riêng cho người đi bộ?
Vẫn biết, lát đá thì bền và đẹp còn gì bằng. Kiến trúc lẫn cảnh quan và điều kiện bên trời Âu rất hợp cho việc lát đá trên vỉa hè, họ lát đá hàng trăm năm nay rồi. Lần lại lịch sử Hà Nội thời Pháp thuộc, từ năm 1897 đã có nhiều tuyến phố phía nam Hồ Gươm được lát đá vuông khổ 30x30cm, dày 3cm.
Chỉ có điều thời đó, Hà Nội không gặp vấn đề về thoát nước và tắc nghẽn giao thông như bây giờ. Do vậy, nôm na là không hẳn cái gì bên tây hay dùng thì ta có thể dùng được. Còn phải phụ thuộc vào nhiều điều kiện cần thiết khác của một đô thị nữa. Cũng giống như phố đi bộ vậy, cũng phải xét thêm nhiều yếu tố khác nữa…
Không biết Hà Nội có dùng ngân sách để lát vỉa hè? Dẫu sao đi nữa, vỉa hè sinh ra để phục vụ dân chúng, thế nên rất cần những cuộc bàn luận, lấy ý kiến và lắng nghe trước khi quyết định. Ý muốn của chính quyền, dù là cái vỉa hè cho dân, cũng rất cần được sự đồng thuận của người dân. Để mỗi một đồng ngân sách chi tiêu được hiệu quả và thiết thực nhất. Bởi, biết đâu người Hà Nội còn cần nhiều chuyện thiết thực khác hơn chuyện lát đá vỉa hè.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét