Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2016

Bản tin 20H: Nga kêu gọi khôi phục lệnh ngừng bắn tại Syria

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. (Nguồn: Reuters) Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. (Nguồn: Reuters)

Trận mưa lớn chiều nay khiến trật tự giao thông ở Hà Nội bị đảo lộn. Nhiều tuyến đường tắc nghẽn kéo dài khiến hàng nghìn người chôn chân, các phương tiện bì bõm lội nước. Đường Xã Đàn ùn kéo dài theo hướng từ hầm Kim Liên đi Ô Chợ Dừa. Đường Phạm Ngọc Thạch nước ngập sâu trên 30 cm khiến giao thông ùn kéo dài. Phố Thái Hà ngập sâu trong cơn mưa chiều. Đường Hoàng Văn Thái, quận Thanh Xuân ngập 50 cm. Sau 40 phút ngớt mưa, các phương tiện di chuyển khó khăn. (Xem chi tiết)


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công an, UBND tỉnh Quảng Ninh và các cơ quan liên quan chỉ đạo các lực lượng chức năng khởi tố vụ án, tiến hành điều tra, truy bắt đối tượng và đồng phạm trong vụ thảm án ở Quảng Ninh. Theo thông tin từ Bộ Công an, 7 giờ sáng ngày 24/9/2016, tại phường Phương Nam, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, lực lượng chức năng địa phương đã phát hiện vụ giết người đặc biệt nghiêm trọng. Đối tượng gây án đã giết hại 4 bà cháu trong một gia đình. (Xem chi tiết)


Sau gần 20 ngày tạm giữ chiếc xe khách bị mất thắng trên đèo Bảo Lộc để điều tra làm rõ vụ tai nạn, Công an huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) vừa trả lại phương tiện và xử phạt hành chính 10,5 triệu đồng. Chiều 24/9, cơ quan chức năng cho biết vừa bàn giao chiếc xe khách biển kiểm soát 53N – 2824 và ban hành Quyết định xử phạt hành chính đối với chủ xe là ông Đoàn Thanh Phong (47 tuổi, trú tại thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) 10,5 triệu đồng.Chủ xe khách bị xử phạt 8,5 triệu đồng vì không có giấy phép kinh doanh và 2 triệu đồng do không có hộp đen và camera giám sát hành trình. (Xem chi tiết)


Liên quan đến vụ việc phóng viên Trần Quang Thế - Báo Tuổi Trẻ bị hành hung khi đang tác nghiệp vào sáng 23/9, trao đổi với PV, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc công an Hà Nội cho biết: "Tôi đã nhận được báo cáo của công an huyện Đông Anh về vụ việc này. Sau khi xem báo cáo, tôi đã giao cho PC 44, công an TP Hà Nội xuống kiểm tra. Nếu có việc công an huyện Đông Anh đánh phóng viên thì sẽ xử lý nghiêm; nếu người đánh không phải là công an thì cũng phải xử lý nghiêm, không để tình trạng này tái diễn". (Xem chi tiết)


Chiều 24/9, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND TP Hội An (Quảng Nam) xác nhận vừa có một du khách người Hàn Quốc tử vong tại xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm – TP Hội An). Vụ việc xảy ra vào sáng 24/9. Nạn nhân được xác định là ông Kim Tae Yeol (SN 1942). Theo công an TP Hội An, sáng 24/9, ông Kim Tae Yeol cùng khoảng 10 người trong đó có một số người thân được một công ty tại TP Hội An tổ chức tour du lịch ở Cù Lao Chàm. Trong lúc tắm biển ở khu vực Hòn Dài, du khách người Hàn Quốc bất ngờ bị đột quỵ. Dù được mọi người đưa đến trạm y tế xã cấp cứu nhưng nạn nhân không qua khỏi. (Xem chi tiết)
Vào lúc 4 giờ ngày 24/9, tại km 12+300 Quốc lộ 279, thuộc địa phận xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo (Điện Biên), một vụ sạt lở đất đá nghiêm trọng đã xảy ra với khối lượng đất đá hơn 60.000m3, trong đó có hơn 25.000m3 đất đá từ phía mái taluy dương tràn xuống lòng đường. Điểm sạt lở đã gây tắc nghẽn giao thông cục bộ cho các phương tiện khi lưu thông qua tuyến đường này trong nhiều giờ. Ngay sau khi nắm được thông tin, Công ty Cổ phần đường bộ 226 (Điện Biên) đã khẩn trương huy động nhân lực cùng máy móc, phương tiện để xúc dọn đất đá sạt lở. Lực lượng cảnh sát giao thông cũng có mặt kịp thời để tiến hành phân luồng, điều tiết giao thông.


Ngày 24/9, Trạm Cảnh sát giao thông Quốc lộ 1A (Phòng cảnh sát giao thông, công an tỉnh Thanh Hóa) đã bàn giao gần 1.000 bao thuốc lá mang nhãn hiệu 555 do nước ngoài sản xuất không có giấy tờ hợp pháp cho các lực lượng chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật. Trước đó vào chiều ngày 23/9, tại Km 312 – Quốc lộ 1A (đoạn qua địa bàn huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa), Tổ tuần tra kiểm soát giao thông (Trạm Cảnh sát giao thông Quốc lộ 1A) phát hiện xe ôtô mang biển kiểm soát 43C-076.50 có dấu hiệu vi phạm luật an toàn giao thông và phát hiện chiếc xe chở thuốc lá lậu trên.


Chiều 24/9, Trung tá Phùng Văn Vĩnh, Đồn trưởng đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lào Cai cho biết, đơn vị vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự mua bán người, qua biên giới, bắt khẩn cấp 2 đối tượng, giải cứu 2 nạn nhân về đoàn tụ với gia đình. Trước đó ngày 30/8, Đồn biên phòng của khẩu quốc tế Lào Cai tiếp nhận đơn tố giác tội phạm của công dân Đặng Thị L, sinh năm 1998 dân tộc dao, trú tại xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, tố cáo một người phụ nữ tên Phương khoảng gần 30 tuổi sử dụng mạng xã hội Zalo và số điện thoại nhắn tin, gọi điện lừa Đặng Thị L và hai người phụ nữ khác sang Trung Quốc bán làm vợ những người đàn ông ở vùng sâu của Trung Quốc. Ngày 29/8, Đặng Thị L đã bỏ trốn về được Việt Nam và làm đơn tố cáo kẻ đã lừa bán mình và 2 người phụ nữ cùng thôn.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng việc khôi phục lệnh ngừng bắn ở Syria phụ thuộc vào tất cả các bên liên quan chứ không chỉ phụ thuộc vào "những nhượng bộ đơn phương của Nga". Bên cạnh đó, ông kêu gọi tiến hành điều tra về vụ không kích đoàn xe viện trợ hôm 19/9 gần Aleppo của Syria làm 20 người chết, đồng thời khẳng định lại rằng các lực lượng không quân của Nga và Syria không liên quan tới vụ tấn công này. Ngoài ra, ông cũng kêu gọi tách các lực lượng đối lập khỏi phong trào Mặt trận al-Nusra và cho biết gần đây Nga đã phát hiện các tay súng đối lập gia nhập mặt trận này.


Ít nhất 23 người đã thiệt mạng khi một chiếc xe buýt mini rơi từ con đường núi xuống dòng sông tại một vùng hẻo lánh ở vùng Kashmir do Pakistan kiểm soát. Hiện mới tìm thấy 3 thi thể, số nạn nhân còn lại cùng chiếc xe bị dòng nước cuốn trôi mất tích. Vụ tai nạn xảy ra tại Nausehri, cách khoảng 45km về phía bắc của Muzaffarabad, thủ phủ vùng Kashmir do Pakistan kiểm soát vào cuối ngày 23/9. (Xem chi tiết)

Pha vượt phải quá nguy hiểm của hai cô gái chạy xe máy

© Bản quyền thuộc báo điện tử Tiền Phong

Tổng Biên tập: LÊ XUÂN SƠN

Tòa soạn: 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội - Điện thoại: (84-4) 39431250 - Fax: (84-4) 39430693 - Email: online@baotienphong.com.vn

Giấy phép số 304/GP-BTTTT cấp ngày 30/7/2013. Cơ quan chủ quản: Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản

Powered by ePi Technologies

Cán bộ bị lộ clip sex tự nhận kỷ luật 'cảnh cáo'

Ông Viễn đã thừa nhận sai phạm, xác nhận ông là nhân vật nam trong clip sex bị lộÔng Viễn đã thừa nhận sai phạm, xác nhận ông là nhân vật nam trong clip sex bị lộ

Ngày 24/9, ông Nguyễn Phùng Vỹ, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng), cho biết, cơ quan chức năng đã hoàn tất việc xác minh, kiểm điểm sai phạm của ông Nguyễn Văn Viễn, Phó giám đốc chi nhánh Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Kế Sách; hồ sơ vụ việc đã được chuyển đến Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Kế Sách để xem xét kỷ luật cán bộ theo thẩm quyền.

Theo ông Vỹ, ông Viễn đã thừa nhận sai phạm, xác nhận ông là nhân vật nam trong clip sex bị lộ (ông lưu video clip trong máy tính). Sự việc xảy ra tại một khách sạn ở Sóc Trăng. Ông Viễn tự đưa ra hình thức kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng.

Ông Trương Hoàng Bảy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Kế Sách, cho biết, Chi bộ Đảng của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kế Sách đã tổ chức kiểm điểm ông Viễn, nhưng hình thức xử lý chưa được công bố.

Qua kiểm tra, cơ quan chức năng xác định người phụ nữ trong video clip là kế toán Trường Tiểu học Xuân Hòa 4 nhưng đã nghỉ việc từ đầu tháng 9. Người phụ nữ này có chồng và một con, hiện sinh sống tại xã Xuân Hòa.

Đo sự hài lòng của người dân

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân làm việc với Ban Bí thư T.Ư Đoàn ngày 24/9Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân làm việc với Ban Bí thư T.Ư Đoàn ngày 24/9

Ông Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao vai trò của Đoàn Thanh niên trong việc phối hợp MTTQ thực hiện các cuộc vận động lớn triển khai trên toàn quốc như: Toàn dân xây dựng nông thôn mới, Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam…

“Coi sự hài lòng của người dân là chỉ số phát triển đất nước, vì thế trách nhiệm của MTTQ phải nắm bắt, đánh giá được sự hài lòng của người dân với đội ngũ công quyền cơ sở. Hiện có hơn 30 tỉnh có công cụ đánh giá nhưng rất khác nhau và cần phải thống nhất cách đánh giá chung. Suy cho cùng, sự hài lòng của người dân vô cùng quan trọng, dân có hài lòng mới có sự phát triển đất nước bền vững. MTTQ nói chung cam kết với Chính phủ về những vấn đề nói trên và Đoàn là thành viên cần tham gia tích cực về các vấn đề này”, ông Nguyễn Thiện Nhân nói.

Ông Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu, với nhiệm vụ đặc thù của Đoàn, cần nắm rõ nhu cầu của thanh niên bây giờ khác gì so với những giai đoạn trước; đó là tiền đề bước vào xây dựng nội dung cho kỳ Đại hội sắp tới. MTTQ cũng cần lắng nghe xem trách nhiệm của mình trong các hoạt động của Đoàn thanh niên đến đâu, đã tạo được nguồn lực cho mình chưa, làm thế nào nâng tầm các phong trào trong các thành viên của MTTQ, trong đó có Đoàn Thanh niên…

Chặn tham nhũng, đầu tư cho vùng khó khăn

Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Phi Long báo cáo công tác của Hội LHTN, trong đó tập trung nguồn lực, huy động xã hội hóa xây dựng nhà bán trú dân nuôi, hệ thống trường học cho học sinh vùng cao, vùng sâu vùng xa. “Gần đây có khá nhiều vụ đại án gây thất thoát hàng chục nghìn tỷ đồng, tạo tâm trạng không tốt trong nhân dân trong khi đời sống nhân dân nhiều nơi rất đói nghèo, chưa được quan tâm thỏa đáng. Mong MTTQ quan tâm giám sát các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt lĩnh vực giáo dục, phát triển cho giáo dục vùng khó khăn. Mong có sự đầu tư thích đáng của Nhà nước, hỗ trợ tích cực cho những vùng khó khăn”, anh Phi Long đề xuất.

“Về Chương trình quốc gia khởi nghiệp, Thanh niên khởi nghiệp, theo tôi, không phải mang tiền đến cho thanh niên mà quan trọng là thể chế, chính sách cho thanh niên. Thực tế, hiện chưa có quỹ khởi nghiệp, đầu tư mạo hiểm cho thanh niên khởi nghiệp của Việt Nam, tại Việt Nam mà chủ yếu đặt tại nước ngoài. Đến thời điểm này, một thanh niên muốn khởi nghiệp không biết dựa và đâu. Vì thế, cần có đơn vị đứng ra thực hiện công việc này”, anh Phi Long kiến nghị.

Bí thư T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy cho biết, hiện cả nước có 1.891 cán bộ Đoàn quá tuổi, tập trung ở cấp cơ sở do đầu ra không có. Mặt khác, còn có bất cập trong thi tuyển công chức về hình thức và thời gian thi tại nhiều địa phương khiến nhiều cán bộ Đoàn tâm huyết, năng lực lại không trúng tuyển, ảnh hưởng hiệu quả công tác tại nhiều địa phương. Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Ngọc Lương nhắc tới công tác phòng chống tham nhũng, trong đó có trách nhiệm, hiệu quả của đội ngũ báo chí của Đoàn. “Trong quá trình thực hiện thu thập thông tin, đấu tranh, phản ánh trên báo chí, lực lượng nhà báo bị ảnh hưởng không nhỏ vì liên quan đến chủ thể tham nhũng, có những vấn đề đụng chạm, vì thế, họ cần phải được quan tâm, bảo vệ”, anh Ngọc Lương nói.

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong nói rằng, thanh niên hiện năng động, giỏi hơn rất nhiều thì đội ngũ cán bộ Đoàn phải chuyển mình như thế nào để theo kịp được sự phát triển. T.Ư Đoàn suy nghĩ làm sao chăm lo quyền lợi hợp phát, chính đáng của thanh niên. Trên cơ sở đó, xây dựng phong trào cho thanh niên nhiệm kỳ tới vừa phát huy tinh thần, trách nhiệm tình nguyện vừa thúc đẩy tính sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp cho thanh niên. “Đoàn mong được giao trách nhiệm và nguồn lực nhiều hơn để Đoàn thanh niên được chủ động, có nguồn lực thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội các địa phương và trên cả nước”, anh Quốc Phong nói.

Theo anh Quốc Phong, việc nắm bắt tình hình thanh niên qua mạng xã hội hiện là kênh tiếp cận mà chỉ có Đoàn thanh niên thực hiện được một cách rộng rãi. “Cán bộ Đoàn đều có cách tiếp cận nhưng khâu nắm bắt thường xuyên, kịp thời định hướng, đấu tranh với sai trái chưa thực sự chuyển động kịp. Mặt tích cực của công tác này là Đoàn đã sử dụng mạng xã hội trong giáo dục lối sống đẹp, lòng yêu nước lan tỏa trong giới trẻ, tuy nhiên, cần thêm công cụ, thêm giải pháp để hiệu quả hơn”, anh nói.

Đoàn Thanh niên là tài sản chính trị quan trọng

Ông Nguyễn Thiện Nhân nói rằng, việc trao đổi không chỉ nói về Đoàn thanh niên mà còn về cơ chế hoạt động và tìm cách tháo gỡ những vướng mắc trong công tác tổ chức các phong trào, hoạt động. Đoàn Thanh niên là tài sản chính trị vô cùng quan trọng, giúp đất nước có sức mạnh, khơi dậy trong thanh niên tinh thần yêu nước và lắng nghe ý kiến của nhân dân. Vì thế, cán bộ Đoàn phải tiên phong trong vận động thanh niên trong thời kỳ hội nhập quốc tế, phải làm những việc khó không ai làm thay được.

“Muốn đất nước phát triển phải nghe tiếng nói của dân, để tránh được sự quan liêu lâu dài, đặc biệt là báo cáo có tính một chiều của hệ thống công quyền từ địa phương. Muốn khơi dậy lòng yêu nước, cần khơi dậy lịch sử hào hùng, gắn với truyền thống yêu nước sâu sắc, lâu đời”, ông Nguyễn Thiện Nhân nói.

Khi nhà tập thể 'thay hình đổi mặt'

Những ngôi nhà tập thể hiện lên sống động qua bàn tay của các nghệ sĩ. Ảnh: Nhã KhanhNhững ngôi nhà tập thể hiện lên sống động qua bàn tay của các nghệ sĩ. Ảnh: Nhã Khanh

“Bảo tàng sống” của người Hà Nội

Mô hình nhà tập thể đã hình thành và kéo dài suốt hơn nửa thế kỉ nay với bao đổi thay về hình dạng, cấu trúc qua từng thời kì lịch sử và phát triển của đô thị. Khi đến với không gian của “Thay hình đổi mặt”, công chúng sẽ được suy ngẫm và tìm về “kí ức tập thể” của Hà Nội ngày hôm qua.

Tại Trung tâm văn hóa Pháp L'Espace, 10 tác phẩm phù điêu tái hiện theo nguyên mẫu nhiều căn nhà tập thể, đặc trưng và hiện vẫn đang còn tồn tại ở Hà Nội như khu Kim Liên, Thanh Nhàn, Thái Hà, Giảng Võ, Nguyên Hồng…

Để thể hiện những tác động của con người lên các khu tập thể, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn đã chụp ảnh rồi cắt lớp tạo những hình ảnh 3D sống động. Khi xem tác phẩm, người ta dễ dàng nhận ra dấu tích của việc cơi nới như “chuồng cọp”, “ba lô” ở các khu tập thể.

Triển lãm cũng trưng bày hai cửa sổ khá nát được nghệ sĩ Thế Sơn đưa về từ khu tập thể Văn Chương. Ngoài ra, anh còn dựng một “Bảng tin ký ức tập thể” với chiếc bảng đen quen thuộc tại các khu tập thể và trên đó treo những bức ảnh gia đình hạnh phúc đã cũ của những người dân sống trong các khu tập thể mà Thế Sơn đã xin được.

“Thay hình đổi mặt” được nghệ sĩ Thế Sơn và nghệ sĩ Trần Hậu Yên Thế chuẩn bị trong vòng 1 năm nay, gồm các công đoạn nghiên cứu, phỏng vấn, điều tra, chụp ảnh, thi công… “Mô hình nhà tập thể xuất phát từ Pháp. Đó cũng chính là lý do chúng tôi quyết định đưa dự án này triển lãm ở Trung tâm văn hóa L'Espace, biểu tượng của nước Pháp- nơi khởi nguồn của hình thái nhà tập thể” - Nghệ sĩ Trần Hậu Yên Thế cho biết.

Trong ký ức của người Hà Nội xưa có tiếng tàu điện leng keng, hương hoa sữa nồng nàn, những tiếng rao đêm và cả những năm tháng thời bao cấp gắn liền với các khu tập thể. Ở đó, tuổi thơ của họ lớn lên yên bình với khoảng sân chung nho nhỏ, những bức tường loang lổ rêu phong và cầu thang đôi khi thiếu sáng.

“Tôi sinh ra, lớn lên, lập gia đình đều ở khu tập thể Thanh Nhàn, sau này, con cái có điều kiện đã mua cho vợ chồng tôi một căn chung cư hiện đại hơn nhưng tôi sẽ không bao giờ quên những ngày tháng vất vả, cơ cực gắn bó với khu tập thể cũ kỹ ngày nào. Hôm nay đi xem triển lãm, tôi như được sống lại những kỷ niệm đó”- Ông Trần Văn Chiến (Thanh Xuân- Hà Nội) rơm rớm xúc động.

Có thể nói, “Thay hình đổi mặt” là sự kết hợp giữa nghệ thuật thị giác và nghiên cứu xã hội học. Nguyễn Thế Sơn đã đi khảo sát, tiếp cận hàng chục nhân chứng đã từng gắn bó với nhà tập thể. Theo anh, lịch sử nằm ngay chính những câu chuyện của họ. Bản thân Thế Sơn và Yên Thế cũng đều sinh ra và lớn lên ở các khu tập thể nên cũng có những xúc cảm đặc biệt khi thực hiện dự án này.

“Chỉ cần một dự án mở đường hoặc lấp kênh, cư dân tập thể sẽ được/bị trở thành dân mặt phố. Tầng 1 cho thuê cửa hàng, buôn bán tấp nập. Tầng 2 trở lên kín cổng cao tường để tránh khói bụi, tiếng ồn. Sự đổi đời kéo theo hàng loạt đổi thay về kinh tế, văn hóa, xã hội của những người dân vốn vẫn quen với cuộc sống yên bình trước đó” - Nguyễn Thế Sơn không giấu vẻ nuối tiếc.

Còn với Trần Hậu Yên Thế, ký ức nhà tập thể trong anh là những sân chơi chung rộng rãi, tấp nập trẻ con, những buổi thăm hỏi người già, hay các gia đình cùng nhau nấu chung nồi bánh chưng, rất gắn bó, tình cảm. “Chính vì vậy, khi cuộc sống phát triển quá nhanh, khu tập thể không còn giữ được văn hóa chung nữa mà hầu như nhà nào biết nhà đó, xô bồ, phức tạp thì gia đình tôi đã quyết định chuyển đi chỗ khác sống”- Anh kể.

Không chỉ phải chống chọi với sự bào mòn thời gian, sự mai một của văn hóa, nhà tập thể còn đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ vĩnh viễn, thay vào đó là những tòa nhà chung cư hiện đại. Tuy nhiên, nghệ sĩ Thế Sơn lạc quan rằng rất nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là ở Nga, người ta đã lưu trữ một số nhà tập thể điển hình như một bảo tàng sống để phát triển du lịch. Và Việt Nam hoàn toàn có thể làm điều đó.

Món quà cho người khiếm thị

Có lẽ, điều đặc biệt nhất ở triển lãm “Thay hình đổi mặt” là sự xuất hiện của rất nhiều người khiếm thị.

Bên cạnh những bức ảnh phù điêu của Nguyễn Thế Sơn là những bản vẽ kiến trúc thể hiện thiết kế nguyên thủy những khu nhà tập thể của Trần Hậu Yên Thế kèm những thông tin về năm xây dựng, tình trạng hiện nay... Tuy nhiên, anh đã kỳ công thể hiện các bản vẽ kiến trúc bằng “ngôn ngữ” dành cho những người khiếm thị.

Ý tưởng đến với anh khá bất chợt sau khi xem bộ phim “Hà Nội trong mắt ai”. Trong đó, có cuộc sống của nghệ sĩ ghi ta mù Văn Vượng. Ông sống trong khu nhà tập thể và hằng ngày vẫn hát, vẫn đàn. Trần Hậu Yên Thế đã dành nửa năm trời qua lại với trường mù Nguyễn Đình Chiểu, Hội Người mù, trung tâm phục hồi chức năng tàn tật… để tìm hiểu cách làm chữ nổi.

“Đây là lần đầu tiên tôi đưa con gái đến tham dự một triển lãm thị giác nhưng không chỉ dành cho những người sáng mắt mà còn dành cho những người khiếm thị. Con bé có vẻ thích thú khi thông qua bản vẽ chữ nổi có thể tưởng tượng ra không gian của những ngôi nhà” – Chị Trịnh Thị Hương (Hoàng Mai, Hà Nội) chỉ tay sang bé Hương Giang đang thích thú lần mò bản chữ nổi trước mặt.

Hai nghệ sĩ Trần Hậu Yên Thế và Nguyễn Thế Sơn đều từng có nhiều công trình nghiên cứu riêng và chung về những biến chuyển trong đời sống đô thị với những đổi thay về kiến trúc nhà ở, ví dụ các triển lãm “Nhà mặt phố”, “Nhà tây biến hình”, “Song xưa phố cũ”...

“Thay hình đổi mặt” là cái bắt tay tiếp tục dự án dài hơi ấy, giống như một bảo tàng, lưu trữ đầy đủ cả ký ức của quá khứ lẫn nhịp sống của hiện tại.

Triển lãm “Thay hình đổi mặt” kéo dài từ ngày 23/9 đến ngày 5/11 tại Trung tâm văn hóa Pháp L’Espace.

Bí thư Huyện ủy 33 tuổi là con 'ông lớn' nào?

Ông Nguyễn Viết Vy - tân Bí thư Huyện ủy Lý SơnÔng Nguyễn Viết Vy - tân Bí thư Huyện ủy Lý Sơn

Sáng 23/9, tại huyện đảo Lý Sơn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi công bố quyết định bổ nhiệm cán bộ. Ông Nguyễn Viết Vy, Phó chánh Văn phòng Tỉnh ủy, được bổ nhiệm giữ chức Bí thư Huyện ủy Lý Sơn, nhiệm kỳ 2015-2020. Bí thư Huyện ủy tốt nghiệp Học viện Hành chính quốc gia, có bằng thạc sĩ chuyên ngành Quản trị và Chính sách công Đại học Queensland (Úc).

Sau khi báo chí đưa tin, một số trang mạng đồn đoán xung quanh lai lịch Nguyễn Viết Vy và đặt nhiều câu hỏi về xuất thân “con ông cháu cha”. Ngồi ở huyện Nghĩa Hành và đọc tin trên mạng, ông Chanh, cha ruột của Bí thư Huyện ủy Lý Sơn, nói: “Vì sao mà dân mạng nói vậy, trong khi tui chỉ là một công chức quèn, phóng viên đài huyện”.

Ông Chanh kể, cách đây 6 năm, mẹ của Vy mắc bệnh hiểm nghèo rồi qua đời. Sau thời gian chữa trị cho mẹ của Vy, kinh tế gia đình xuống dốc. Vy là anh trai cả, dưới là 2 em gái.

Bạn học của Vy nói rằng, Vy là học sinh giỏi và có biệt tài; nhớ được nhiều dãy số dù chỉ đọc qua. Thời còn đi học, Vy dám cá độ với bạn bè có thể giải nhanh bất cứ bài Toán, Lý nào trong sách. Nếu làm tốt thì được dẫn đi ăn chè đậu ván, còn không thì phải dốc túi ra chiêu đãi cả nhóm.

“Ngồi trong lớp thì phải ngẩng đầu lên. Nếu cứ cúi đầu là không thuộc bài, sợ thầy dò bài, là học kém”, ông Chanh thường nghiêm khắc răn dạy con từ lúc nhỏ.

Phóng viên đài huyện

Con trai ra đảo Lý Sơn nhận nhiệm vụ mới, ngôi nhà càng trở nên vắng vẻ. Ông Chanh thu xếp việc gia đình rồi tranh thủ lên xã Hành Tín Tây, huyện Nghĩa Hành để dự một cuộc họp tổng kết do Hội Nông dân tổ chức. Dù đã về hưu mấy năm, nhưng bà con nông dân vẫn thường xuyên mời “anh Chanh phóng viên đài huyện Nghĩa Hành về dự và đưa tin hoạt động của xã”.

Phóng viên mang bút danh Duy Chanh có vài điều khá đặc biệt khiến nông dân luôn mời mọc? Theo Luật Báo chí, phóng viên của đài phát thanh huyện là cán bộ văn hóa tuyên truyền của địa phương. Cán bộ đài huyện thường chỉ viết về người tốt, việc tốt, nêu bật thành tích của địa phương, tuyên truyền chủ trương của huyện. Tuy nhiên, ông Chanh “có gì nói nấy, việc tốt thì khen, việc sai thì phải phản ảnh”. Ông thường có câu cửa miệng “tin sốt rét”.

Bí thư Huyện ủy 33 tuổi là con 'ông lớn' nào? - ảnh 1Cha Bí thư Huyện ủy từng là phóng viên đài phát thanh huyện.

Năm 2005, khi thấy 500 người dân huyện Nghĩa Hành ùn ùn tận diệt cây rừng trong thời gian dài, nhưng địa phương không làm hết trách nhiệm, Duy Chanh đã có loạt bài phản ảnh và toàn là “tin sốt rét”. Kết quả, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã về thị sát hiện trường và yêu cầu tỉnh Quảng Ngãi xử lý nghiêm cán bộ sai phạm. Tổng kết cuối năm, huyện Nghĩa Hành bị cắt thành tích thi đua. Ông Bí thư Huyện ủy chỉ đích danh “người cõng rắn cắn gà nhà là Duy Chanh, phóng viên huyện nhà”.

Thời điểm đó, ông Nguyễn Ngọc Trạch, Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Ngãi, đang treo giải thưởng, nếu đài huyện nào lập thành tích xuất sắc thì sẽ cấp cho 1 máy quay phim Panasonic 1.000P. Camera kỹ thuật số thời đó là giấc mơ của các phóng viên. Giải thưởng đó cuối cùng lọt vào tay Duy Chanh. Phóng viên Duy Chanh tiếp tục có nhiều tin, phóng sự cộng tác cho đài tỉnh. Nghĩa Hành là rốn lụt của tỉnh. Khán giả thỉnh thoảng chứng kiến anh Duy Chanh lội nước ngang thắt lưng và vác máy quay phim để phản ảnh tình hình tại các điểm nóng lụt lội.

Sau 38 năm 6 tháng làm cán bộ đài huyện, ông Chanh xin về hưu sớm. “Tôi bị bệnh nên không còn xông pha và gần gũi bà con nông dân nhiều nữa. Làm việc thì phải tới nơi. Còn ngồi một chỗ để dựa hơi Nhà nước là điều không nên. Đó cũng là điều tôi dạy con khi bước vào đời và khi trở thành công chức nhà nước”, ông tâm sự.

Đại tiệc xứ Ê Đê

Căn nhà mới của Mí Luân.Căn nhà mới của Mí Luân.

Khi màn đêm vùng đại ngàn còn phủ đầy hơi sương, núi rừng còn chìm trong giấc ngủ, sự hoang vu của vùng đại ngàn bỗng dưng bị phá vỡ bởi tiếng cười nói rổn rảng của những dân bản địa. Hôm nay họ đến nhà Mí Luân (46 tuổi) ở buôn Choa A, xã Yang Reh, huyện Krông Bông, Đắk Lắk để chuẩn bị đâm lợn, làm lễ mời thần linh.

Lễ bôi máu

Trong bóng đêm trải dài, thi thoảng những cơn gió lướt qua khiến những đốm sáng phát ra từ bếp lửa phụt lên bừng sáng. Từng hơi thuốc chuyền tay nhau, làn khói mù mịt, tiếng cười nói làm huyên náo một góc rừng. Những người đàn ông trong buôn khiêng một con lợn đang bị buộc bốn chân ra trước sân nhà Mí Luân để chuẩn bị xẻ thịt, làm lễ đón nhà mới. A San (45 tuổi) bảo rằng, đây là tục lệ theo truyền thống lâu đời của người Ê Đê. Họ quan niệm rằng thần linh cư ngụ khắp núi rừng, mỗi khi trong buôn có ai đó về nhà mới thì phải mổ heo, làm tiệc để đãi đấng tối cao no say, để họ về ban cho mưa thuận gió hòa, không ốm đau bệnh tật…

Bình minh ló dạng, cũng là lúc những người đàn ông trong buôn xẻ thịt xong con lợn rừng, lúc này A Sát (46 tuổi) bưng bát tiết lợn vào nhà cho thầy cúng Ma Nét làm phép khấn vái tứ phương mời thần linh về nhận lộc, chứng giám nhà mới cho gia chủ. Cũng theo A Sát, phong tục này có từ thuở khai thiên lập địa, tổ tiên người Ê Đê cho rằng bếp lửa mang quyền linh của đấng siêu nhiên. Nó làm cho ngày về nhà bừng sáng, nhưng không đơn thuần chỉ dùng để nấu nướng như người miền xuôi mà còn dùng để xua đuổi tà khí, âm chướng ở nơi rừng thiêng nước độc này.

Trong lúc những người có mặt trong ngôi nhà mới im lặng, thầy cúng Ma Nết vừa lẩm nhẩm đọc thầm trong miệng vừa cầm nhánh lá còn ướt đẫm sương làm phép bằng cách nhúng vào bát tiết rồi quét khắp căn nhà. Khi đã khấn vái thần linh, số tiết còn lại được đổ vào ngọn lửa nhằm cầu cho gia chủ tránh hỏa hoạn sau này. Lễ cúng vừa dứt, hàng chục người có mặt òa lên cười nói rổn rả, ùa đến ngồi quanh các ché rượu đã đặt sẵn trong nhà. Chủ nhà cầm cần lồ ô uống vài hớp trước, rồi mời thầy cúng, người trong buôn cùng những vị khách phương xa nhập tiệc.

Độc đáo món tiết bóp

Mặt trời dần nhô. Sương tan. Những tia sáng ban mai xuyên qua các khe hở của bức tường làm bằng gỗ kéo dài thành một vệt sáng chiếu vào mặt, báo hiệu ngày mới bắt đầu. Từ con đường đất đỏ dài ngoằng như đang chẻ đôi quả đồi trước mặt, những chàng trai cô gái trẻ đến sau, bước nhanh về hướng nhà Mí Luân để dự tiệc.

Đại tiệc xứ Ê Đê - ảnh 1Chế biến món tiết bóp.
Má hây hây hồng tuổi trăng tròn, cô thôn nữ H’oan cười bẽn lẽn: “Hai người (ba, mẹ - PV) đi rẫy, không qua. Mình mang gà, rau qua góp vui”. Giữa không gian tĩnh lặng của núi rừng, lặng ngắm những thiếu nữ miền sơn cước khoác trên mình bộ quần áo truyền thống sặc sỡ, trên lưng gùi những ghè rượu cần thơm lựng hương lúa rẫy, lúa rừng, ai không khỏi ngất ngây?

Như một thói quen, vừa buông gùi đưa quà cho gia chủ, mấy cô gái nhanh chân hướng về khu nhà bếp. Việc nấu nướng đang chờ họ. Còn những người đàn ông nhóm lửa ở ngoài sân để thui, mổ lợn. Sau đó, những thứ rau rừng xanh mơn mởn cùng những loại gia vị đặc trưng núi rừng được vào bụng lợn, pha trộn với máu tươi còn nóng ấm. Người ta dùng dao to bản lạng mỏng từng miếng thịt ở hai bên đùi con vật rồi cho tất cả vào trong bụng nó, khuấy đều. Số thịt còn lại một phần dùng que lồ ô vót nhọn xiên qua để nướng, phần còn lại cho vào chiếc nồi đồng to tướng nấu nhừ…

Thoạt đầu, những vị khách không mời mà tới khựng lại khi được gợi ý dùng món tiết bóp này. Thế nhưng, không nỡ từ chối lời mời đầy nhiệt huyết của gia chủ, đành “bấm bụng” thử. Thế nhưng, mọi người hết sức ngạc nhiên với vị thơm lựng của miếng thịt heo rừng còn bay mùi khói, cùng vị cay cay, nồng nồng, ngon ngọt tuyệt vời rất khó tả.

Thấy khách phương xa hứng thú nhưng còn nghi ngại, A Mun (19 tuổi) cười nói: “Món này không sống đâu mà sợ. Lúc thui trên lửa, con heo chín rồi, chín từ trong ra ngoài, ăn ngon, ăn bổ lắm, không bệnh gì đâu”. Cả ngày hôm đó, cùng với món tiết bóp, chúng tôi còn được gia chủ khoản đãi nhiều món ăn ngon mang đậm nét văn hóa vùng cao. Món lá bép (hay còn gọi là lá nhíp, loại lá rừng nhiều dưỡng chất mà tê giác rất thích) được nấu bằng ống lồ ô, đọt mây rừng, trứng kiến nướng muối ớt…

Giữa tiết trời chớm lạnh, bên ché rượu cần, giữa triền núi ngào ngạt hương thơm thịt heo nướng, chúng tôi cùng những vị khách đi phượt ngẫm về những món ăn vùng đồng bằng. Tuấn, 29 tuổi, người Sài Gòn bảo: “Thoạt đầu nhìn món tiết bóp thấy hơi chợn. Nhưng ăn rồi, thấy ngon và rất là vệ sinh. Mình lâu nay cứ hay chê bai này nọ chứ kỳ thực trong nhiều trường hợp người đồng bằng ăn uống mới kinh dị, thậm chí là tàn ác”.

Những suy nghĩ của Tuấn gợi chúng tôi nhớ những lần chứng kiến nhiều dân thị thành mê mải với những đĩa tiết canh heo, vịt…, thậm chí uống máu các loài mãng xà. Có người còn ăn cả bào thai, ăn óc của các loài thú hoang như gấu, khỉ... Để có được bào thai những con vật ấy mà dân chơi gọi là “hà nàm”, người ta đã làm chuyện vô cùng tàn ác, mổ bụng con mẹ lúc còn bụng mang dạ chửa.

Đại tiệc xứ Ê Đê - ảnh 2Chia vui cùng gia chủ.
Thời gian dần tối. Lúc này khách và chủ nhà thả mình bên các ghè rượu cần cười nói rôm rả. Họ trao đổi với nhau về mọi điều, về kinh nghiệm sống và chuyện thu hoạch mùa rẫy đã qua.

Cuộc vui kéo dài đến lúc ánh chiều tà, khách và chủ nhà không còn khoảng cách e ngại như lúc mới gặp, họ kể cho nhau nghe nhiều mẩu chuyện về kinh nghiệm sống của từng miền đã qua. Tiệc tàn cũng là lúc mặt trời xuống núi, ánh chiều vàng lan khắp đỉnh đồi. Đến lúc giã từ, Mí Luân chạy xuống bếp cầm que lồ ô xâu những miếng thịt lợn dúi vào tay chúng tôi như một sự mến khách vốn dĩ đã thành nếp sống của những người dân thân thiện nơi đây.

Chia tay những người buôn Choa A với nỗi niềm khó tả, người về với tâm trạng luyến lưu. Đây không những là vùng đất của những món ăn kỳ lạ, tập tục ly kì mà còn có ở đó những nụ cười, đôi má ửng hồng của các thiếu nữ thôn bản, những ché rượu bên câu chuyện đời đẹp như bức tranh chốn đại ngàn.

Thoạt đầu, những vị khách không mời mà tới khựng lại khi được gợi ý dùng món tiết bóp này. Thế nhưng, không nỡ từ chối lời mời đầy nhiệt huyết của gia chủ, đành “bấm bụng” thử. Thế nhưng, mọi người hết sức ngạc nhiên với vị thơm lựng của miếng thịt heo rừng còn bay mùi khói, cùng vị cay cay, nồng nồng, ngon ngọt tuyệt vời rất khó tả.

Những suy nghĩ của Tuấn gợi chúng tôi nhớ những lần chứng kiến nhiều dân thị thành mê mải với những đĩa tiết canh heo, vịt…, thậm chí uống máu các loài mãng xà. Có người còn ăn cả bào thai, ăn óc của các loài thú hoang như gấu, khỉ... Để có được bào thai những con vật ấy mà dân chơi gọi là “hà nàm”, người ta đã làm chuyện vô cùng tàn ác, mổ bụng con mẹ lúc còn bụng mang dạ chửa.