Chủ Nhật, 4 tháng 2, 2018

Mới nắng đầu hè, Hà Nội đã dày lịch cắt nước

Nhiều lịch cắt nước từ nội đến ngoại thành

Thời điểm này chưa phải là cao điểm của mùa hè nắng nóng nhưng liên tục trong những ngày qua, nhiều khu vực, nhiều quận huyện trên địa bàn Hà Nội, người dân đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước, mất nước sinh hoạt kéo dài.

Trên trang web của Công ty nước sạch Hà Nội- đơn vị cung cấp nước sinh hoạt chủ yếu hiện nay của thành phố đã dày đặc các thông báo về lịch cắt nước tại nhiều quận, huyện từ nội thành đến ngoại thành.

Theo thông báo của Công ty nước sạch Hà Nội từ 6h đến 14h ngày 31/5, Công ty Điện lực Thanh Trì có kế hoạch để sửa chữa, cải tạo lưới điện, Cty nước sạch sẽ giảm công suất nhà máy nước Pháp Vân. Vì vậy, theo đơn vị này kể từ thời điểm trên trong vòng 1 đến 2 ngày các khu vực sẽ bị ảnh hưởng mất nước hoặc nước yếu. Phạm vi ảnh hưởng của thông báo này rất rộng, tại quận Hoàng Mai gồm các khu vực như phường Hoàng Liệt, Thịnh Liệt, Giáp Bát; tại huyện Thanh Trì gồm các khu vực như: thị trấn Văn Điển, các xã ngũ Hiệp, Tứ Hiệp….

Tại các quận nội thành lịch sử như: Hoàn Kiếm Ba Đình, Đống Đa, Tây Hồ lịch thông báo tạm ngừng cấp nước sạch trong những ngày qua cũng dày. Hàng loạt phường ở các quận này đều có lịch tạm ngừng cấp nước với các lý do như: Do Công ty điện lực Hồ Tây có kế hoạch cắt điện để sửa chữa, cải tạo lưới điện trong khu vực nên Cty nước sạch Hà Nội sẽ giảm công suất nhà máy nước Yên Phụ; Hay lý do thi công sửa chữa dây chuyền công nghệ hệ thống bơm nước sạch nhà máy nước Mai Dịch…. “Chúng tôi không hiểu, trên báo đài họ cam kết trời nắng nóng không có lịch cắt điện để sửa chữa thế mà những ngày này lại có lịch cắt nước với lý do sửa chữa lưới điện”, một người dân ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai bức xúc.

Phải xem việc cắt điện, cắt nước trong dịp nắng nóng

Điều đáng nói, các khu vực trên trước đấy không lâu người dân cũng đã nhận được lịch cắt nước cũng với những lý do tương tự. Cụ thể, ngày 14/5 theo thông báo của Công ty nước sạch Hà Nội do Công ty Điện lực Hoàng Mai có kế hoạch cắt điện để sửa chữa, cải tạo lưới điện nên phải giảm công suất nhà máy nước Pháp Vân.

“Chính vì vậy, kể từ thời điểm trên trong vòng 2 đến 3 ngày các khu vực trên địa bàn quận Hoàng Mai và huyện Thanh Trì sẽ bị ảnh hưởng mất nước hoặc nước yếu”, Công ty nước sạch Hà Nội thông báo. Phạm vi ảnh hưởng của thông báo này tại quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì rất rộng, bao gồm dày đặc các phường xã trên địa bàn

Ngày 13/5 vừa qua, Công ty nước sạch Hà Nội cũng phải ra thông báo tạm ngừng cấp nước tại nhiều phường nhiều quận trung tâm như: quận Cầu Giấy, quận Đống Đa, quận Bắc Từ Liêm…, do phải thi công thay thế sửa chữa nhà máy nước Mai Dịch với thời gian tạm thời ngừng cấp nước diễn ra trong vòng 3 đến 4 ngày liên. Trước đấy 1 tuần (vào ngày 5/5) những khu vực trên cũng nhận được thông báo của Công ty nước sạch Hà Nội về lịch cắt nước có cùng 1 lý do sửa chữa nhà máy nước Mai Dịch

Theo nhận định của Sở Xây dựng Hà Nội, do nguồn cấp nước thiếu, nhiều khu vực thuộc 4 quận nội thành sẽ thiếu nước sạch trong mùa hè. Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, tình hình cấp nước sạch mùa hè 2017 sẽ rất khó khăn với thực trạng hạ tầng hiện nay. Dự báo vào lúc cao điểm, lượng nước sạch thiếu từ 70.000-100.000 m3 mỗi ngày đêm.

“Ngành điện đã cam kết không cắt điện sửa chữa trong dịp nắng nóng, nếu Công ty nước sạch thông báo tạm ngừng cấp nước cho dân vì lý do các công ty điện cắt để sửa chữa mạng lưới thì cũng phải xem xét lại”, vị cán bộ nói.

Ngày 29/5 vừa qua, tại cuộc họp giao ban lãnh đạo UBND TP Hà Nội với các các sở ngành, một trong những vấn đề quan trọng được Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung giao các sở ngành là phải đảm bảo tốt việc cung ứng điện nước sạch dịp cao điểm nắng nóng.

Tú Anh

Lãnh đạo nhiều hơn nhân viên, không cải cách được tiền lương

Ngày 1/6, đoàn công tác của Ban chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Bộ KH&CN vềcơ chế quản lý, cơ chế tài chính, hệ thống tổ chức khoa học và công nghệ.

Theo báo cáo của Bộ KH&CN, hiện cả nước có 1.432 tổ chức KH&CN công lập với tổng số nhân lực nghiên cứu thuộc khu vực công lập 139.531 người. Các tổ chức KH&CN công lập đã có nhiều kết quả KH&CN, đóp góp thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, Bộ KH&CN cũng thừa nhận các tổ chức, đơn vị còn trùng lắp về hiệu quả, hoạt động không cao. Việc đầu tư từ ngân sách nhà nước cho các tổ chức KH&CN công lập còn dàn trải, mang tính cào bằng, chưa thực sự chú trọng tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Việc tinh giản biên chế chưa hiệu quả, năm 2015 chỉ tinh giản 04 viên chức, năm 2016 tinh giản 03 viên chức.

Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Trần Đắc Hiến thẳng thắn, hiện nay 90% chi hoạt động thường xuyên là quá lớn, chỉ còn gần 10% chi hoạt động nghiên cứu đầu tư thì khó tạo ra sản phẩm có chất lượng cao. Thêm vào đó, tính trung bình mỗi bộ, địa phương có 13 tổ chức khoa học cũng là nhiều.

Theo ông Hiến, nếu sắp xếp lại các tổ chức KH&CN như doanh nghiệp Nhà nước, hợp nhất, giải thể để tập trung ngân sách cho những đơn vị hoạt động hiệu quả, trọng điểm thì mới có tổ chức KH&CN mạnh tầm khu vực và thế giới.

Ông Hiến cho rằng, nhân lực KH&CN trong các tổ chức phân bổ không đồng đều, chủ yếu tập trung ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Trên 90% số tổ chức KH&CN ở các địa phương có số nhân lực dưới 30 người, trong đó nhiều tổ chức có số nhân lực dưới 10 người. Cơ cấu nhân lực trong từng tổ chức cũng chưa hợp lý, tỷ lệ nhân lực gián tiếp trên tổng số nhân lực trực tiếp còn quá cao.

Nhìn nhận nhiều tổ chức khoa học và công nghệ quá nhỏ, chỉ 10 người nhưng vẫn có 1 trụ sở, chiếm 1 miếng đất, có bảo vệ, có lễ tân phục vụ nên không thể cải cách được tiền lương…, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu sắp xếp lại, mục tiêu là nâng cao năng lực, tiềm lực khoa học và công nghệ, đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng kinh tế - xã hội; không sắp xếp đổi mới thì khó lòng cải cách tiền lương.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng việc Trung ương thảo luận Đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) là cơ hội để cho đơn vị KH&CN phát triển đột phá, thực sự đóng góp vào tăng trưởng của nền kinh tế. Đây là cơ hội rất tốt để Bộ KH&CN cùng phối hợp với các bộ, ngành kiến nghị với Trung ương nhằm tháo gỡ đồng bộ để hoạt động của các tổ chức KH&CN hoạt động thực sự có hiệu quả.

Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra, cái được của tự chủ, tự chịu trách nhiệm sẽ giúp khoảng cách trong việc đưa các kết quả nghiên cứu đến với doanh nghiệp/thị trường ngắn hơn, song thực tế đây là chặng đường rất dài.

Văn Kiên